Thứ Hai, 8 tháng 11, 2010

KH 49/KH-THCSQO BỒI DƯỠNG GV TAY NGHỀ YẾU

  PHÒNG GD&ĐT ĐẠ TEH           CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TRƯỜNG THCS QUỐC OAI                         Độc lập- Tự do- Hạnh phúc.

Số:   49     /KH-THCSQO                                Quốc Oai, ngày    01  tháng  11    năm 2010

KẾ HOẠCH
BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN TAY NGHỀ YẾU

Trước tình hình trong đơn vị trường THCS Quốc Oai còn có một bộ phận giáo viên có tay nghề yếu kém hoặc tay nghề chưa vững (trong văn bản này gọi chung là tay nghề yếu), bởi vậy trường THCS Quốc Oai xây dựng kế hoạch này nhằm xóa yếu trong đội ngũ nhà giáo. Cụ thể như sau:
A. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU:
1. Nhằm giúp giáo viên tay nghề yếu vượt lên tay nghề trung bình vào cuối năm học 2010-2011, tiến tới toàn trường không có giáo viên tay nghề yếu;
2. Huy động toàn bộ lực lượng giáo viên có năng lực chuyên môn giúp đỡ đồng nghiệp, gắn trách nhiệm cá nhân với trách nhiệm tập thể;
3. Kế hoạch không những nhằm bồi dưỡng giáo viên yếu mà còn là biện pháp thi đua, đánh giá và xếp loại công chức trong trường THCS Quốc Oai.
            B. NỘI DUNG CỤ THỂ:
Việc tự học của mỗi giáo viên được coi là hết sức quan trọng, tự học- tự nghiên cứu của mỗi cá nhân là yếu tố quyết định cho việc nâng cao tay nghề, bên cạnh đó là sự giúp đỡ của đồng nghiệp vững vàng về chuyên môn, sự hướng dẫn của tổ chuyên môn là yếu tố quan trọng giúp giáo viên tiến bộ. Bởi vậy nhà trường yêu cầu:
1. Đối với giáo viên có tay nghề yếu:
a) Tự lập báo cáo rà soát những nội dung mình còn yếu về:
- Kiến thức bộ môn do mình giảng dạy (Kiến thức bậc THCS);
- Phương pháp giảng dạy bộ môn;
- Các nghiệp vụ khác của nhà giáo như: Lời giảng, trình bày bảng, chữ viết bảng, kỹ năng sử dụng đồ dùng dạy học…
Bản tự rà soát nộp về cho tổ chuyên môn, CM trường, Hiệu trưởng để từ đó theo dõi, đánh giá tự học của giáo viên vào cuối năm học. Thời gian: cuối tháng 11/2010.
b) Mở sổ tự học và lập kế hoạch tự học: Trên cơ sở báo cáo tự rà soát nói trên, giáo viên lập kế hoạch và lập định hướng thời gian hoàn thành các nội dung mình còn yếu; mở sổ tự học chuyên môn.
Sổ tự học của những giáo viên này được coi là hồ sơ chuyên môn của cá nhân.
c) Tự học của mỗi giáo viên yếu:
Thường xuyên tự học thông qua sổ tự học chuyên môn.
d) Tự nghiên cứu kỹ bài dạy:  Khi soạn giáo án phải tìm tòi, đọc kỹ nội dung kiến thức bộ môn, đọc kỹ các tài liệu chuyên môn, trước mắt nghiên cứu kỹ chuẩn kiến thức kỹ năng, sách giáo viên…
e) Chấp hành triệt để lịch kiểm tra: Nộp hồ sơ sổ sách đúng theo quy định của tổ chuyên môn và nhà trường; Khi được góp ý phải mang theo sổ tự học chuyên môn để ghi chép.
f) Dự giờ: Mỗi giáo viên yếu phải dự giờ đúng chuyên môn 1 tuần 1 tiết đúng chuyên môn, sau khi dự xong, phiếu dự giờ phải có chữ ký của giáo viên dạy xác nhận, người dạy phải nhận xét- đánh giá vào phiếu dự giờ. Đối với giáo viên yếu, phiếu dự giờ sẽ thiết kế riêng theo mẫu của nhà trường kèm theo kế hoạch này. Từ tháng 11 đến cuối năm học, mỗi giáo viên yếu phải dự đủ 24 tiết đúng chuyên môn.
 g) Sinh hoạt chuyên môn:
Tham gia sinh hoạt tổ chuyên môn, chuyên môn trường, góp ý dự giờ phải phát biểu và nêu nhận xét của mình trước khi giáo viên khác phát biểu, người ghi biên bản phải thể hiện rõ trong sổ biên bản sinh hoạt chuyên môn.
2. Đối với tổ chuyên môn:
a) Tổ chức kiểm tra:
- Kiểm tra chặt chẽ giáo án, nếu soạn không đúng yêu cầu soạn lại theo quy định của nhà trường. Kiểm tra phải chỉ rõ những nội dung sai, chưa chính xác… và bằng phương pháp “cầm tay chỉ việc”. Ra thời hạn hoàn thành và kiểm tra việc thực hiện các nội dung này. Tất cả đều phải có biên bản cụ thể.
- Tăng cường kiểm tra đột xuất, đặc biệt là kiểm tra khâu chuẩn bị đồ dùng dạy học.
- Tổ chức kiểm tra hồ sơ tự học chuyên môn, phiếu dự giờ. Đặc biệt coi trọng khâu đánh giá và nhận xét của giáo viên yếu.
Chỉ tiêu: Một tháng tổ trưởng hoặc tổ phó kiểm tra ít nhất 2 lần/GV yếu.
b) Tổ chức dự giờ:
- Ngoài dự giờ có báo trước cần tăng cường dự giờ đột xuất. Tổ chức dự giờ chuyên đề  như dự giờ xem xét việc chuẩn bị đồ dùng của học sinh nhằm đánh giá khâu dặn dò tiết trước thông qua đó đánh giá tiết dạy trước đó của giáo viên…
- Sau dự giờ, tiến hành góp ý (Có ghi biên bản cụ thể).
Chỉ tiêu: Một tháng tổ trưởng chỉ đạo toàn tổ dự giờ  ít nhất 1 tiết/ GV yếu.
c) Kiểm tra quy chế:
Kiểm tra việc chấm chữa cho điểm, ra đề, vào điểm…Đặt biệt chú trọng khâu kiểm duyệt.
d) Tăng cường hướng dẫn chuyên môn:
Hướng dẫn cho giáo viên cách soạn bài ở một số tiết, hướng dẫn giáo viên phương pháp giảng dạy cơ bản, hướng dẫn cho giáo viên cách ra đề…Trước khi hướng dẫn cần kiểm tra cụ thể nhận thức của giáo viên yếu về vấn đề sắp hướng dẫn. Sau hướng dẫn cần chú ý kiểm tra việc áp dụng.
Chỉ tiêu: Một tháng tổ trưởng chỉ đạo người cùng bộ môn hướng dẫn ít nhất 1 giáo án, hai tháng hướng dẫn 1 phương pháp.
3. Đối với giáo viên trong tổ chuyên môn, đặc biệt giáo viên cùng chuyên môn:
Nhà trường giao thêm trách nhiệm kiểm tra giáo viên yếu cho nhóm giáo viên cùng bộ môn.
Mỗi tháng nhóm bộ môn có giáo viên yếu tiến hành dự giờ và góp ý 1 tiết dạy cho giáo viên yếu, kiểm tra và hướng dẫn soạn giáo án 1 tiết (Đối với giáo viên cùng chuyên môn);
4. Phó Hiệu trưởng:
Các nội dung bồi dưỡng giáo viên yếu như tổ chuyên môn, về chỉ tiêu: Mỗi tháng kiểm tra, dự giờ 01 giáo viên yếu. Để đảm bảo toàn diện trong kiểm tra, phó HT kiểm tra theo từng nội dung nhưng đảm bảo 100% số giáo viên yếu đều được kiểm tra hoặc dự giờ/ tháng.
Cùng với tổ chuyên môn, hiệu trưởng cuối năm tổ chức kiểm tra tự học chuyên môn của số giáo viên yếu theo lịch chung của nhà trường.
5. Các tổ chức đoàn thể:
Theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi đoàn thể trong trường, các đoàn thể cần có sự động viên, khen chê kịp thời với đoàn viên do đoàn thể mình phụ trách; Có giải pháp giúp đỡ đoàn viên yếu về chuyên môn.
6. Đối với ban thanh tra nhân dân:
Theo chức năng và nhiệm vụ của ban thanh tra nhân dân, tổ chức giám sát việc thực hiện kế hoạch này của các cá nhân, các tổ chuyên môn, của nhà trường.
C. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN- BÁO CÁO:
1. Mỗi giáo viên yếu, hàng tháng khi báo cáo rà soát hoạt động của tháng phải mở  thêm 1 nội dung tình hình học tập và tự bồi dưỡng chuyên môn (theo các nội dung ở phần B1 của kế hoạch này). Báo cáo phải tỉ mỉ, rõ ràng về nội dung, ngôn ngữ, chính xác về số liệu và những công việc đã thực hiện, tuyệt đối tránh chung chung.
2. Tổ chuyên môn, hàng tháng khi báo cáo rà soát hoạt động của tháng phải mở thêm 1 nội dung tình hình học tập và tự bồi dưỡng chuyên môn (theo các nội dung ở phần B2 của kế hoạch này). Báo cáo phải tỉ mỉ, rõ ràng về nội dung, ngôn ngữ, chính xác về số liệu và những công việc đã thực hiện, tuyệt đối tránh chung chung.
3. Phó Hiệu trưởng, hàng tháng khi báo cáo rà soát hoạt động của tháng phải mở thêm 1 nội dung tình hình học tập và tự bồi dưỡng chuyên môn (theo các nội dung ở phần B2 và B3 của kế hoạch này). Báo cáo phải tỉ mỉ, rõ ràng về nội dung, ngôn ngữ, chính xác về số liệu và những công việc đã thực hiện, tuyệt đối tránh chung chung.
4. Nhóm giáo viên cùng bộ môn, báo cáo tình hình giúp đỡ giáo viên yếu của bản thân trong báo cáo tự rà soát chuyên môn hàng tháng.
5. Tổ chuyên môn, phó Hiệu trưởng thường xuyên phản ánh công tác tự học của giáo viên yếu về cho Hiệu trưởng, đặc biệt khi giáo viên yếu không chấp hành việc tự bồi dưỡng và các yêu cầu của tổ chuyên môn (Phó hiệu trưởng).
6. Tháng 4/2011, các tổ chuyên môn gửi toàn bộ các hồ sơ có liên quan về công tác kiểm tra, bồi dưỡng về bộ phận chuyên môn để lưu hồ sơ xét công chức cuối năm.
Đây là cơ hội tự bồi dưỡng của giáo viên yếu nhằm tự nâng cao tay nghề, tạo dựng lại uy tín trong đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh. Đồng thời với vai trò “người đem ánh sáng tri thức của nhân loại” đến với thế hệ mai sau, mỗi giáo viên trong toàn đơn vị ra sức giúp đỡ đồng nghiệp, tạo cơ hội cho đồng nghiệp tự phấn đấu vươn lên. Bên cạnh đó, nhà trường sẽ xử lý theo đúng luật công chức khi giáo viên không tiến bộ nhằm giảm bớt những “thiệt hại tri thức” cho con em địa phương.
Nhận được kế hoạch này, yêu cầu toàn thể cán bộ- giáo viên trong cơ quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.
HIỆU TRƯỞNG
Nơi nhận:
- Phòng GD-ĐT;
- Đảng ủy, UBND xã;
- Công đoàn, chi đoàn, TTND;
- Tổ trưởng, tổ phó CM;
- Giáo viên yếu;
- Niêm yết công khai;
- Ban BT web, blog;
- Lưu: VT/CM.